Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2018

Các hệ số phụ thông dụng

CÁC HỆ SỐ PHỤ THÔNG DỤNG (nguồn liên đoàn cờ)
1. Hệ số Buchholz
Hệ số Buchholz thường được sử dụng cho các giải theo Hệ Thụy Sĩ. Về cơ bản, hệ số này là tổng điểm số của tất cả các đối thủ, trừ trường hợp ngoại lệ ở các ván không có thi đấu (miễn đấu, bỏ cuộc, không bốc thăm) đều được tính như một ván hòa. Ván hòa này không phụ thuộc với kết quả thực (1F-0F, 0F-1F hoặc 0F-0F).
Một ván miễn đấu cũng được tính như một ván hòa. Điều này cũng áp dụng tương tự cho tất cả các đấu thủ không có bốc thăm hoặc bỏ cuộc ở một hay nhiều ván đấu.
Ví dụ 1: Một đấu thủ có tổng điểm sau cùng là 5, trong đó có một ván miễn đấu. Như vậy khi cộng hệ số Bucholz cho đối phương của đấu thủ đó thì chỉ được cộng 4,5 điểm.
Ví dụ 2: Một đấu thủ thắng ở ván đầu, sau đó xin nghỉ suốt 8 ván còn lại. Như vậy khi cộng hệ số Bucholz cho đối phương thì sẽ được cộng: 1 điểm ở ván 1 + 0,5 nhân với 8 ván = 5
Cách tính điểm cho các ván miễn đấu trong hệ số Bucholz như trên là mặc định, trừ khi Ban tổ chức có quy định khác.
Hạn chế của hệ số Bucholz là khi đấu thủ gặp người quá yếu khiến hệ số bị thấp, do đó trong thực tế ở nhiều giải quốc tế hiện nay người ta thường quy định bỏ bớt từ 1 đến 2 người thấp nhất.
2. Hệ số Sonneborn-Berger
Hệ số Sonneborn-Berger thường áp dụng ở các giải theo thể thức vòng tròn. Là tổng điểm tất cả điểm số của các đối thủ được tính theo nguyên tắc sau:
– Lấy toàn bộ tổng điểm của đối thủ nếu thắng;
– Lấy một nửa tổng điểm của đối thủ nếu hòa;
– Không có điểm nào nếu thua.
3. Tổng điểm đối kháng trong nhóm các đấu thủ đồng điểm (Direct encounter):
Hệ số này áp dụng được trong tất cả các giải đấu. Căn cứ vào kết quả thi đấu với nhau giữa những đấu thủ có cùng điểm số, người có hệ số cao hơn sẽ được xếp trên.
Thông thường nếu như trong nhóm các đấu thủ đó có một người không gặp những người kia thì hệ số này không thể tính được. Tuy nhiên nếu có một đấu thủ thắng hết tất cả mọi người trong nhóm (dù có vài đối thủ trong nhóm chưa gặp nhau) thì đấu thủ đó vẫn được xếp nhất.
Ví dụ 1: Có 4 đấu thủ A, B, C, D bằng điểm nhau, trong đó A thắng B hòa C và D; B thắng A hòa C và D; C và D chưa gặp nhau. Hệ số này không được tính, chuyển qua hệ số phụ khác.
Ví dụ 2: Có 4 đấu thủ A, B, C, D bằng điểm nhau, trong đó A thắng B, C và D; B, C và D chưa gặp nhau. Vậy A sẽ xếp trên, B, C và D sẽ chuyển xếp theo hệ số phụ khác.
4. Hệ số lũy tiến (Progressive score):
Hệ số lũy tiến thường được sử dụng cho các giải phong trào hoặc các giải học sinh ở các trường thi đấu theo Hệ Thụy Sĩ. Hệ số lũy tiến được lấy từ tổng điểm của chính đấu thủ được tính hệ số, theo công thức qua từng ván như sau:
Điểm của ván đấu tính hệ số (tổng số ván đã thi đấu – thứ tự của ván đấu đang tính + 1)
Ví dụ. Giải đã đấu được 3 ván. Một đấu thủ có ván 1 thắng, ván 2 hòa và ván 3 thắng.
Hệ số được tính đến thời điểm 3 ván như sau:
Ván 1: 1 điểm (tổng 3 ván – 1 (tức là ván 1) + 1) = 3
Ván 2: 0,5 điểm (3 ván – 2 + 1) = 1
Ván 3: 1 điểm (3 – 3 + 1) = 1
Tổng hệ số lũy tiến bằng 3 + 1+ 1 = 5.

Khi các hệ số phụ bằng nhau, để giảm thiểu việc bốc thăm may mắn, Ban Tổ chức thường bổ sung thêm các hệ số phụ khác đơn giản hơn như số ván thắng, số ván đi Đen, ván thắng bằng quân Đen v.v…
Nhìn chung các hệ số phụ là một trong những giải pháp để xếp hạng khi các đấu thủ bằng điểm nhau trong một giải. Mỗi hệ số phụ đều có hạn chế riêng, do đó các Ban Tổ chức giải thường quy định phối hợp các loại hệ số với nhau và nếu còn thời gian thì nên tổ chức các ván cờ chớp để phân định thứ hạng.
Một kỳ thủ đi thi đấu được gọi là đấu thủ. Môn Cờ cũng được xem là một môn thể thao, do đó kỳ thủ cũng được gọi là vận động viên. Cũng như các môn thể thao khác, một vận động viên cần nắm rõ khả năng của mình, hành trình của mình và vị trí của mình đang ở đâu trong bảng xếp hạng tạm thời, từ đó có thể có những tính toán chiến lược, phân chia lượng vận động phù hợp v.v… để có thể đạt thành tích cao nhất. Chính vì vậy nên Hệ số phụ trong một giải đấu đều phải được công bố trước như mọi môn thể thao khác. Ở một số giải đấu tại các địa phương, các câu lạc bộ v.v… Ban Tổ chức thường cho bốc thăm chọn hệ số phụ sau khi kết thúc ván cuối vì mục đích chống “tiêu cực”; Như vậy vô tình đã biến giải đấu của mình và môn cờ trở thành một trò chơi may rủi, phi thể thao. Việc đặt vấn đề “tiêu cực” ngay từ trong cái nhìn đầu tiên của Ban Tổ chức chắc chắn cũng sẽ làm xấu đi hình ảnh của bộ môn cờ trong cái nhìn của cộng đồng. Muốn chống “tiêu cực” đòi hỏi phương pháp Trọng tài, khả năng của Ban Tổ chức, mà trên hết phải bắt nguồn từ chính bản thân các Lãnh đội, huấn luyện viên và vận động viên chứ không phải từ việc bốc thăm các hệ số phụ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét